ACIAR đã hoạt động ở Việt Nam 15 năm. Trong thời gian qua chúng tôi đã hoàn thành trên 100 dự án ở khắp cả nước. Cũng trong thời gian này, chúng tôi đã hợp tác với phần lớn các viện nghiên cứu Nông nghiệp tại Việt Nam. ACIAR tự hào đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu nông nghiệp và đưa ra một số giải pháp kỹ thuật nhằm tăng cường an ninh lương thực và thu nhập cho người nông dân.
Trọng tâm chương trình hợp tác sắp tới của ACIAR sẽ có một số thay đổi. Trong khi ACIAR tiếp tục hoạt động về lâm nghiệp, thuỷ sản, trồng trọt và chăn nuôi, chương trình mới đối với Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn vào Kinh doanh nông sản. Hơn nữa, chúng tôi sẽ chú trọng liên kết các hoạt động vào một dự án tổng thể và tập trung vào những vùng địa lý đã lựa chọn. Đó là hai vùng còn nghèo và là những nơi Australia có khả năng kỹ thuật mạnnh để hỗ trợ phát triển:
- Vùng duyên hải Nam Trung Bộ, chú trọng vào nghiên cứu các hệ thống chăn nuôi và trồng trọt cho lợi nhuận cao nhưng bền vững trong môi trường khắc nghiệt (đất cát nghèo dinh dưỡng và thiếu nước) và nghiên cứu phát triển hệ thống bền vững về nuôi những loài hải sản có giá trị cao;
- Vùng núi Tây Bắc, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển một số sản phẩm trồng trọt (như hoa, quả và rau bản địa ôn đới có giá trị cao), các sản phẩm chăn nuôi và lâm nghiệp.
Hợp tác trong thuỷ sản và lâm nghiệp tuy khác về trọng tâm địa lý, nhưng cũng có những điểm chung như chú trọng tăng thu nhập cho người nông dân và công nghiệp chế biến thông qua các sản phẩm và thị trường có giá trị lớn hơn. Chương trình thuỷ sản tập trung vào nuôi thuỷ hải sản, chú ý đến dinh dưỡng và các loài có giá trị cao. Chương trình lâm nghiệp sẽ tập trung vao công nghệ gen, lâm học và chế biến đối với sản phẩm gỗ chất lượng cao hơn.
Hội thảo tại Quy Nhơn là bước đầu để xây dựng chương trình ở khu vực này. Đối với vùng Tây Bắc, ACIAR đang triển khai một nghiên cứu ngắn hạn để xác định cơ hội nghiên cứu cụ thể có thể phù hợp với trọng tâm của ACIAR và thế mạnh kỹ thuật của Australia. Nghiên cứu này còn đào tạo các cán bộ địa phương về những phương pháp giao tiếp hiệu quả hơn với đối tượng nông dân người dân tộc thiểu số. Sau nghiên cứu này, một hội thảo xây dựng chương trình tương tự như hội thảo Quy Nhơn sẽ được tổ chức tại khu vực Tây Bắc trong tháng 8 năm nay.
Hơn 15 năm hoạt động vừa qua tại Việt Nam, trọng tâm hợp tác của ACIAR là với các viện nghiên cứu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Với chương trình sắp tới, ACIAR mong muốn sẽ tập trung nhiều hơn vào tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu có sự hợp tác chính thức với các cán bộ nông nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh và trực tiếp với người nông dân. ACIAR mong muốn tài trợ cho các dự án mà trong đó các nhà nghiên cứu làm việc tích cực hơn tại các vùng nông thôn và gắn kết với người nông dân ngay từ giai đoạn đầu. Với một chương trình chú trọng nhiều hơn tới vần đề thị trường cho sản phẩm, ACIAR hy vọng chiến lược này sẽ đảm bảo hiệu quả của công tác nghiên cứu và kết quả nghiên cứu sẽ được nông dân ứng dụng nhiều hơn.
Việc lựa chọn trọng tâm tại hai khu vực Tây Bắc và Duyên hải Nam Trung Bộ đồng nghĩa với việc giảm các hoạt động nghiên cứu tại một số vùng khác. Lựa chọn một số vùng mang tính trọng điểm sẽ tại điều kiện để có nhiều hoạt động hơn cho những khu vực này, đồng thời mang lại kết quả tốt hơn. Cách tiếp cận này đã được xây dựng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cơ quan Chính phủ và các đối tác nghiên cứu quan trọng tại Việt Nam và Australia.
Nguồn tham khảo: Đại sứ quán Australia tại Hà Nội. Weblink: http://www.vietnam.embassy.gov.au/hnoivietnamese/Future1VN.html
Số lần xem trang: 2489
Điều chỉnh lần cuối: 28-08-2014