Được thành lập từ năm 2013, Mạng lưới về Nông nghiệp, Thực phẩm và Năng lượng Bền vững (viết tắt là SAFE network) tổ chức hội nghị quốc tế hàng năm tại các nước châu Á Thái Bình Dương. Năm nay, Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM đã được chọn là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị SAFE 2015 với chủ đề “Tăng cường sự hợp tác của các bên hữu quan về Nông nghiệp, Thực phẩn và Năng lượng bền vững” diễn ra từ 17-19/11/2015. Hội nghị SAFE 2015 là một trong những sự kiện lớn trong chuỗi sự kiện lớn kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường.
Mục tiêu của Hội nghị: (1) chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, các ý tưởng mới và các kết quả nghiên cứu khoa học về Nông nghiệp, Thực phẩm và Năng lượng bền vững; (2) tăng cường hợp tác nghiên cứu về sản xuất Nông nghiệp, Thực phẩm và Năng lượng bền vững; (3) thiết lập mạng lưới khu vực về Nông nghiệp, Thực phẩm và Năng lượng bền vững; (4) thúc đẩy hoạt động toàn cầu cho Nông nghiệp, Thực phẩm và Năng lượng bền vững.
Hội nghị đã thu hút được 2 đơn vị tài trợ là Tổ chức Nông Lâm Thế giới (ICRAF) và Tập đoàn Điện Bàn (DIBANCO).
Phiên chính thức của Hội nghị đã diễn ra vào ngày 18/11 tại khách sạn REX, trung tâm Tp. Hồ Chí Minh với hơn 250 khách mời là những nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực Nông nghiệp và người quan tâm đến từ Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Ý, Nhật, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippine, Iran …v..v.. và các nhà khoa học đến từ một số Trường Đại học lớn ở Việt Nam như Đại học Quốc gia TpHCM, Đại học Đà Nẵng ... GS. TS. Nguyễn Hay đã có bài phát biểu chào mừng các đại biểu, khách mời và người quan tâm về tham dự Hội nghị Safe 2015 tại khách sạn Rex và sau đó là lễ trao tặng bằng khen cho TS. Delia Catacutan(Trưởng đại diện Icraf) và Ông Nuyễn Hữu Thạnh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị DIBANCO) nhằm cảm ơn những đóng góp về tài chính cũng như trong công tác tổ chức Hội nghị SAFE của hai đơn vị này.
Tiếp theo là 03 bài phát biểu chính xoay quanh chủ đề của Hội nghị: (1) Sự chuyển đổi ngành Nông nghiệp trong Phát triển bền vững tại Việt Nam của GS.TS. Bùi Chí Bửu; (2) Quan điểm của Safe Network trong sự hợp tác của các bên liên quan trong Nông nghiệp, Thực phẩm và Năng lượng bền vững của GS. TS. Helmi Syarifuddin và (3) Vai trò của Nông Lâm kết hợp trong những thành tựu của Nông nghiệp, Thực phẩm và Năng lượng bền vững của TS. Delia Catacutan. Thông qua những bài báo cáo này, khách tham dự đã có cái nhìn tổng quát về sự phát triển trong Nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, để tiếp tục chia sẻ và trao đổi về các nghiên cứu cụ thể trong các phiên họp song song vào buổi chiều.
Số lần xem trang: 2551
Điều chỉnh lần cuối: 19-05-2016