Những con cá đi đâu về đâu?

Buổi trình chiếu giới thiệu phim sẽ tổ chức tại phòng họp 1 - Nhà Thiên Lý - ĐHNL Tp. HCM từ 9:00 - 11:00 ngày 22/02/2011

Mời quý Thầy Cô và các bạn Sinh viên đến xem.

-----------------------------------------------------

TT - Số phận của dòng sông Mekong, một nguồn tài nguyên đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 65 triệu người, vẫn đang rất nóng. Nhà báo Anh Tom Fawthrop viết riêng cho Tuổi Trẻ câu chuyện liên quan cuốn phim tài liệu về dòng sông này.

 

Cá nước ngọt trên sông Mekong là nguồn sống của hàng chục triệu người dân - Ảnh: N.G.

Hãng phim Eureka vừa sản xuất bộ phim tài liệu Những con cá đi đâu về đâu? Đập nước giết dần dòng sông Mekong để thức tỉnh cộng đồng về nguy cơ tiềm ẩn của việc xây dựng đập nước trên con sông này. Những đập nước có thể phá vỡ và gây thiệt hại hệ sinh thái quý báu sông Mekong. Nhưng hệ sinh thái sông Mekong không chỉ là vấn đề môi trường mà là yếu tố sống còn cho nguồn an ninh lương thực và nền kinh tế.

Bộ phim tài liệu trên đã được công chiếu cách đây hơn hai tuần tại Đại học Chiang Mai ở Thái Lan. 80 người đã tham gia diễn đàn do giáo sư Chayan Vaddhanaphuti chủ trì và nêu ra rất nhiều vấn đề về dòng sông Mekong.

“Con người không thể ăn điện”

Một chuyên gia nghiên cứu về sông Mekong đánh giá bộ phim: “Bộ phim này cho thấy chính phủ các nước ở hạ nguồn sông Mekong chưa nhận thấy tầm quan trọng của dòng sông Mekong đối với quyền lợi của người dân địa phương vốn phải bám lấy dòng sông để kiếm sống”.

 

"Ít nhất bộ phim nêu lên được một vấn đề quan trọng liên quan đến vai trò của Ủy hội sông Mekong (UHSM). UHSM đã không chịu tập trung chú ý đến sự phát triển bền vững và tiếng nói của người dân địa phương ở lưu vực sông Mekong. UHSM không lắng nghe ý kiến của người dân"

GS Vaddhanaphuti

Bộ phim nhìn thẳng vào vấn đề sông Mekong với hai góc độ khác nhau. Một là, tài nguyên thiên nhiên phong phú của sông Mekong phải được bảo tồn và duy trì cho thế hệ tương lai. Hai là, việc liên tục khai thác trên sông vì những lợi ích ngắn hạn khiến các dòng chảy yếu đi, kéo theo sự giảm sút về số lượng cây cối, các loài cá và đời sống hoang dã lưu vực sông Mekong.

Trong quá trình làm phim, nhóm đã phỏng vấn các ngư dân Nam Lào, các nhà tổ chức cộng đồng ở Chiang Khong thuộc phía bắc Thái Lan, cộng đồng ngư dân và các chuyên gia ngư nghiệp... và tiếng nói của những con người này không hề được lắng nghe trong những lần hội thảo chính thức của các quan chức chính phủ hoặc chuyên gia để đưa ra các quyết định then chốt cho các vấn đề về sông Mekong.

Nhưng theo GS Vaddhanaphuti, bốn nước thành viên của Ủy hội sông Mekong - gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam - sẽ dần dần loại bỏ cách nhìn nhận thiển cận về các kế hoạch phát triển của các công ty năng lượng, các chuyên gia khoa học và các nhà đầu tư để tìm được tiếng nói chung là “phải bảo vệ sông Mekong”. Đoàn làm phim Eureka cũng nhận được sự hợp tác từ các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam và các nhà khoa học đang thật sự lo lắng về tác động tiêu cực của các đập nước lên vùng châu thổ sông Mekong.

Đồng ý rằng các nước trong khu vực cần thêm nguồn năng lượng - thủy điện lại được ví von là nguồn “năng lượng sạch” - và mọi công dân có quyền được hưởng điện. Nhưng liệu rằng chi phí xây đập sông Mekong có được quan tâm đúng đắn và đánh giá công khai trước dân chúng hay không?

Bản báo cáo chiến lược môi trường, do Ủy hội sông Mekong phát hành vào tháng 10-2010, kết luận các hoạt động của 11 con đập ở hạ lưu sông Mekong đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản trên sông Mekong.

Ông Kreo Bunthanvong, một ngư dân miền Don Sahong (Nam Lào), nói với đoàn làm phim: “Nếu họ xây dựng một con đập tại Don Sahong, nó sẽ ngăn chặn việc di trú của cá, sẽ không còn cá để ăn nữa. Họ sẽ làm gì để cung cấp thức ăn cho chúng tôi nếu như không còn cá?”. Một ngư dân khác mỉa mai: “Chúng tôi không thể tồn tại nếu không có cá để ăn, con người không thể ăn điện được”.

Chưa ai tính thiệt hại của ngư dân

Sông Mekong là nguồn thủy sản nước ngọt lớn nhất thế giới, cung cấp 2,1 triệu tấn thủy sản mỗi năm. Theo kết luận của báo cáo chiến lược môi trường, nếu tiến hành xây dựng các đập nước thì vào năm 2030 ngư dân sẽ mất hơn 800.000 tấn cá. Bản báo cáo cho biết các đập có thể gây tổn thất hơn 60% sản lượng đánh bắt hằng năm. Trong khi các nước đang tập trung đầu tư nguồn an ninh lương thực quốc gia thì đây là một con số đáng báo động cho công tác đảm bảo an ninh lương thực ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

 

Bộ phim tài liệu do Tom Fawthrop làm đạo diễn, sẽ được khởi chiếu tại Phnom Penh vào dịp năm mới và sau đó tại các rạp ở Hà Nội. Năm 2011, BBC sẽ tiếp tục phát sóng các cuộc tranh luận về sông Mekong.

Hiện có 781 giống loài được xác định đang sinh sống ở sông Mekong. Một chuyên gia nghề cá của Chính phủ Campuchia cho biết ngư nghiệp đóng góp 12% tổng sản lượng quốc nội (GDP), nhưng ít có nhà kinh tế nào trong khu vực tính đến số tiền thất thu của ngành ngư nghiệp khi các đập được xây dựng và số tiền chính phủ phải bỏ ra để tìm nguồn cung cấp thực phẩm thay thế cho hàng triệu người nếu như ngành ngư nghiệp ở sông Mekong bị phá sản.

Sông Mekong, giống như sông Amazon, là một thiên đường tự nhiên. Nhưng nếu xây dựng đập nước quá nhiều thì thiên đường sẽ không còn nữa. Thiên đường của các loài cá, rùa, thác ghềnh có thể bị tiêu diệt và không bao giờ tái tạo được.

Thật đau lòng nếu như nghe thế hệ tương lai sống dọc các nhánh sông Mekong phải hát bài: Những con cá đi đâu về đâu?

TOM FAWTHROP

Số lần xem trang: 2153
Điều chỉnh lần cuối: 21-03-2011

SỰ KIỆN ĐÃ HOÀN THÀNH

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : hai sáu bảy bảy năm

Xem trả lời của bạn !