HỌC BỔNG SONG PHƯƠNG BỈ, 2010 – 2011
 

Về Chương trình học bổng song phương Bỉ

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Việt Nam, chính phủ Bỉ mong muốn hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Học bổng song phương Bỉ (BBS) làm thành một phần quan trọng của chương trình hợp tác này nhằm góp phần vào sự phát triển lâu dài và ổn định của Việt Nam.

 

Học bổng song phương Bỉ được cấp thông qua Tổng vụ Hợp tác phát triển (DGDC) trực thuộc Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Hợp tác phát triển Bỉ, dành cho các cán bộ trẻ tuổi Việt Nam mong muốn được đào tạo sau đại học tại các trường đại học của Vương quốc Bỉ nhằm tiếp thu kiến thức và chuyên môn mới để đóng góp vào sự phát triển của nước nhà. Chương trình học bổng này được quản lý và thực hiện bởi Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội và Cơ quan Hợp tác kỹ thuật Bỉ (BTC).

 

Kể từ năm 2001, thông qua Chương trình BBS, đã có trên 148 học viên tốt nghiệp các khoá đào tạo Thạc sỹ và trên 50 nghiên cứu sinh đã và đang nghiên cứu ở nhiều chuyên ngành khác nhau ở Vương quốc Bỉ.

 

Số lượng và loại hình học bổng sẽ cấp trong Chương trình

Năm học 2010-2011, Chương trình dự kiến sẽ trao 40 suất học bổng toàn phần cho công dân Việt Nam tham dự các khoá đào tạo Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ phối hợp tại các trường đại học của Vương quốc Bỉ.

 

Một suất học bổng toàn phần sẽ bao gồm vé máy bay khứ hồi đến Vương quốc Bỉ, toàn bộ học phí, bảo hiểm y tế cơ bản, học bổng hàng tháng và các khoản trợ cấp khác.

 

Đối với cá nhân được học bổng Tiến sỹ phối hợp, học bổng sẽ chỉ cấp cho thời gian nghiên cứu ở Bỉ. Ngoài ra, Chương trình cũng có hỗ trợ chi phí nghiên cứu thực địa (thu thập dữ liệu, làm thí nghiệm, mua tài liệu, trang thiết bị phục vụ thí nghiệm v.v.). Để nhận được phần hỗ trợ này, nghiên cứu sinh phải chuẩn bị bảng dự toán chi phí và có xác nhận của cả hai giáo sư hướng dẫn người Bỉ và người Việt rồi nộp cho BTC Hà Nội để phê duyệt.

 
Đối tượng đăng ký

Đối với học bổng cho đào tạo Thạc sỹ, Chương trình khuyến khích tất cả các thí sinh từ mọi vùng, miền của Việt Nam, từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân nộp đơn.

 

Riêng đối với học bổng làm Tiến sỹ phối hợp, năm nay chương trình chỉ chấp nhận đơn của các thí sinh đến từ các trường đại học hoặc viện nghiên cứu MỚI

 

Thí sinh tham gia dự tuyển cần có thành tích học tập tốt và kinh nghiệm làm việc phù hợp với nội dung khóa học lựa chọn.

 

Thí sinh cần chứng tỏ được tiềm năng đóng góp vào công cuộc phát triển của Việt Nam.

 

Phụ nữ và những người ở vùng sâu vùng xa được đặc biệt khuyến khích nộp hồ sơ xin học bổng.

 
 

Điều kiện tham gia dự tuyển

      Học bổng Thạc sỹ:

-          Là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam; 

-          Không quá 35 tuổi (tính đến ngày 28 tháng 12 năm 2009)

-          Tốt nghiệp đại học chính quy;

-          Tối thiểu 02 năm kinh nghiệm làm việc liên tục (kể từ khi tốt nghiệp đại học cho đến tháng 12 năm 2009). Kinh nghiệm làm việc phải phù hợp với ngành học thạc sỹ định theo học.

-          Phải có trình độ ngoại ngữ tốt. Chương trình BBS yêu cầu tối thiểu:

o      Tiếng Pháp: DELF B1 hoặc TCF tối thiểu 400 hoặc các chứng chỉ tương đương khác;

o      Tiếng Anh: tối thiểu 6.0 IELTS hoặc 550 TOEFL pBT hoặc 79 TOELF iBT. KHÔNG chấp nhận Institutional TOEFL.

 

Học bổng Tiến sỹ:

-          Là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam;

-          Không quá 40 tuổi (tính đến ngày 28 tháng 12 năm 2009);

-          Đã có bằng Thạc sỹ

-          Có ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc sau khi hoàn thành đào tạo Thạc sỹ (tính đến ngày 28 tháng 12 năm 2009).

-          Có đề tài nghiên cứu, kế hoạch nghiên cứu và thư chấp nhận của các giáo sư hướng dẫn Việt Nam và Bỉ trước khi nộp đơn.

-          Phải có trình độ ngoại ngữ tốt. Chương trình BBS yêu cầu tối thiểu:

o      Tiếng Pháp: DELF B1 hoặc TCF tối thiểu 400 hoặc các chứng chỉ tương đương khác;

o      Tiếng Anh: tối thiểu 6.0 IELTS hoặc 550 TOEFL pBT hoặc 79 TOELF iBT. KHÔNG chấp nhận Institutional TOEFL.

 

Lưu ý quan trọng:

-          Thí sinh cần có trình độ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp tốt để có thể theo học tại Vương quốc Bỉ. Thí sinh được khuyến khích liên hệ trực tiếp với các trường đại học ở Bỉ để có được thông tin cụ thể về yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ cũng như điểm đạt cho từng khoá học.

-          Chương trình không bắt buộc thí sinh phải có thư mời nhập học của trường cho năm học 2010-2011 trước khi nộp đơn xin học bổng/phỏng vấn. Tuy nhiên, có được thư mời nhập học này sẽ là một lợi thế cho thí sinh dự tuyển.

-          Chứng chỉ GMAT/GRE sẽ được yêu cầu bởi một số trường đại học của Bỉ đối với các khoá học về quản lý, kinh tế, tài chính hoặc khoa học tự nhiên. Đề nghị thí sinh kiểm tra yêu cầu này trực tiếp với trường đại học của Bỉ mà thí sinh muốn theo học trước khi nộp đơn cho Đại sứ quán Bỉ. 

 

Những loại hình khoá học nào là phù hợp để xin học bổng song phương Bỉ ?

Học bổng BBS được dành cho các khóa đào tạo Thạc sỹ và chương trình Tiến sỹ phối hợp. Thí sinh có thể theo học bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh tại các trường đại học ở Vương quốc Bỉ.

 

Chương trình đào tạo Thạc sỹ tại Bỉ thường kéo dài từ 1 đến 2 năm, tuỳ theo yêu cầu của từng khoá học và từng trường. Các thí sinh sẽ tự tìm hiểu và lựa chọn các chương trình đào tạo Thạc sỹ hiện có tại các trường đại học của Bỉ thông qua trang web của trường. Mỗi thí sinh chỉ được chọn một khoá học tại một trường đại học.

 

Chương trình đào tạo Tiến sỹ phối hợp thường kéo dài 48 tháng, trong đó 16 tháng nghiên cứu ở Bỉ và thời gian còn lại ở Việt Nam. Thí sinh sẽ phải lựa chọn đề tài nghiên cứu, thống nhất kế hoạch và đề cương nghiên cứu với các giáo sư hướng dẫn Việt Nam và Bỉ trước khi nộp đơn xin học bổng. 

 

Chương trình học bổng song phương Bỉ không giới hạn về ngành học. Tuy nhiên chương trình sẽ dành ưu tiên cho các ngành mà hiện nay Bỉ đang có các hoạt động hợp tác phát triển tại Việt Nam như: môi trường, nước và vệ sinh, quản lý rác thải, giáo dục, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành kỹ thuật/công nghệ, và quản lý nhà nước.

 

Thí sinh có thể đăng ký học ở những trường đại học nào của Bỉ?

Các thí sinh đăng ký học bổng song phương Bỉ có thể học ở bất kỳ trường đại học nào tại Vương quốc Bỉ. Tuy nhiên, các khóa học tại các trường quốc tế có cơ sở tại Vương quốc Bỉ. không thuộc diện đài thọ của chương trình học bổng song phương Bỉ.

 

Các thí sinh được khuyến khích liên hệ trực tiếp với các trường đại học ở Vương quốc Bỉ để được khẳng định về việc có khoá học trong năm học 2010-2011 và ngôn ngữ giảng dạy trước khi nộp đơn.

 

Các trang web sau sẽ hỗ trợ thí sinh trong việc tìm kiếm các thông tin về các trường đại học của Bỉ:           www.studyinflanders.be        và      www.studyinbelgium.be

 
 

Quy trình nộp đơn xin học bổng

HỒ SƠ XIN HỌC BỔNG NĂM 2010 SẼ ĐƯỢC TIẾP NHẬN

KỂ TỪ NGÀY 1 THÁNG 9 NĂM 2009 VÀ KẾT THÚC VÀO NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 2009

1. Đơn xin học bổng

§ Mẫu đơn xin học bổng Thạc sỹ có thể tải tại đây: Master form 2010

§ Mẫu đơn xin học bổng Tiến sỹ phối hợp có thể tải tại đây: Mixed PhD form 2010

 

Thí sinh cần điền đầy đủ và rõ ràng bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh các thông tin yêu cầu trong đơn xin học bổng, tốt nhất nên điền trên máy tính và ký tên. Hồ sơ xin học bổng không đầy đủ hoặc thiếu các giấy tờ được nêu tại mục 12 của đơn sẽ bị loại.

 
ĐƠN XIN HỌC BỔNG THẠC SỸ

Phần 1 – Thông tin cá nhân: phần này của đơn hỏi các thông tin về cá nhân của thí sinh. Xin lưu ý học bổng chỉ trang trải các chi phí của cá nhân người được nhận học bổng. Nếu người được nhận học bổng muốn đưa gia đình sang Vương quốc Bỉ trong thời gian học, sẽ phải tự trang trải toàn bộ các chi phí có liên quan.

Phần 2 - Địa chỉ liên lạc (cần điền nguyên bản tiếng Việt): Thông tin trong phần này cần được điền đầy đủ và rõ ràng (nguyên bản tiếng Việt) vì sẽ giúp Chương trình liên lạc với thí sinh và để đảm bảo rằng thí sinh sẽ được nhận được kết quả nộp hồ sơ. Thí sinh cần nêu rõ muốn nhận được thư thông báo về kết quả nộp hồ sơ theo địa chỉ nhà riêng hay địa chỉ cơ quan.

Phần 3 - Khả năng ngoại ngữ: Các chứng chỉ ngoại ngữ phải còn giá trị ít nhất cho tới ngày 30 tháng 6 năm 2010. Đối với các thí sinh mới tham dự thi và đang chờ kết quả, cần nêu rõ ngày đã dự thi và ngày dự kiến nhận được kết quả. Xin lưu ý rằng việc bổ sung hồ sơ sẽ chỉ được chấp nhận vào trước ngày 15 tháng 1 năm 2010.

Phần 8 – Xin học bổng: Thí sinh cần nêu rõ tên khoá học, thời gian của khoá học và tên trường đại học ở Bỉ. Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký một khoá học tại một trường đại học. Để biết thêm thông tin, thí sinh có thể xem trên các trang web của trường hoặc liên hệ trực tiếp với cán bộ điều phối khoá học qua thư điện tử để được khẳng định về việc có khoá học trong năm học 2010-2011 cũng như về ngôn ngữ giảng dạy.

Phần 9 - Động cơ xin học bổng và Kế hoạch trong tương lai: Phần này hỏi lý do vì sao thí sinh muốn theo học khoá học đã lựa chọn cũng như kế hoạch của họ khi trở về nước. Phần này đặc biệt quan trọng, vì thế thí sinh phải trình bày phần này càng đầy đủ và thuyết phục càng tốt, bài viết giới hạn trong vòng 400 từ (hay 4000 ký tự).

 

Thí sinh có thể bổ sung thêm các thông tin cần thiết trong phần 10 của đơn.

 

ĐƠN XIN HỌC BỔNG TIẾN SỸ

Phần 1-3: Tương tự như hướng dẫn tại đơn xin học bổng Thạc sỹ ở trên.

Phần 8 - Thông tin về đề tài nghiên cứu: Ngoài việc điền thông tin liên hệ của giáo sư hướng dẫn người Bỉ và người Việt, thí sinh cần nêu cụ thể vai trò của hai giáo sư hướng dẫn này trong suốt quá trình làm nghiên cứu. Quan trọng hơn, thông tin trong phần này sẽ giúp ban tuyển sinh hiểu rõ hơn về đề tài nghiên cứu một cách cơ bản nhất. Vì vậy, yêu cầu thí sinh phải mô tả về đề tài nghiên cứu của mình, với các thông tin như mục tiêu, các vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và kết quả dự kiến.

Phần 9 - Động cơ xin học bổng và Kế hoạch trong tương lai: Trong phần này có ba ý chính cần nêu. Thí sinh cần phát triển ba ý chính này thành một bài luận về động cơ đối với nghiên cứu đề xuất một cách thuyết phục. Bài luận này không vượt quá 400 từ (hay 4,000 ký tự). 

 

2. Những giấy tờ phải nộp kèm với đơn xin học bổng

Tất cả các giấy tờ bằng tiếng Việt cần được sao y bản chính, kèm bản dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp có công chứng

           Bản sao giấy khai sinh.
           Bản sao các văn bằng Đại học, Thạc sỹ.
           Bản sao bảng điểm Đại học, Thạc sỹ.
           Bản sao chứng chỉ ngoại ngữ hoặc giấy báo điểm.

           Bản giải thích về hệ thống thang điểm của Việt Nam, có xác nhận của trường đại học mà trước đây thí sinh đã học (Mục đích yêu cầu văn bản này là để giúp trường đại học ở Bỉ hiểu rõ hơn về hệ thống thang điểm ở Việt Nam để có đánh giá đúng năng lực học tập của thí sinh qua bảng điểm).

           Hai thư giới thiệu của người có uy tín (về năng lực học tập hoặc năng lực làm việc), có nêu rõ địa chỉ, email và số điện thoại liên hệ của người viết, kèm bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp có công chứng (nếu cần).

           Thư của thủ trưởng cơ quan hiện đang công tác cho phép thí sinh tham dự chương trình học bổng song phương Bỉ (xem mẫu tại Phụ lục 1 của Đơn xin học bổng).

           Sơ yếu lý lịch tự thuật.

           Bản sao thư mời nhập học của một trường đại học ở Vương quốc Bỉ cho năm học 2010-2011 (nếu có).

           Một phong bì ghi sẵn địa chỉ thí sinh muốn nhận thư thông báo về kết quả nộp hồ sơ.

 

Đối với thí sinh xin học bổng Tiến sỹ phối hợp, ngoài các giấy tờ nêu trên, thí sinh cần phải nộp thêm:

o      Thư chấp nhận của giáo sư hướng dẫn người Bỉ và người Việt Nam. Trong thư chấp nhận này, hai giáo sư cũng sẽ nêu nhận xét ban đầu của mình về đề tài nghiên cứu được đề xuất của thí sinh.

o      Bản kế hoạch làm nghiên cứu sinh có chữ ký của thí sinh và của hai giáo sư hướng dẫn Việt Nam và Bỉ (xem mẫu tại Phụ lục 2 của Đơn xin học bổng).

 

3. Nộp hồ sơ và thời hạn nhận hồ sơ

Thí sinh cần gửi 1 bộ gốc và 3 bộ sao của đơn xin học bổng cùng toàn bộ giấy tờ được nêu trên để trong một phong bì dán kín, bên ngoài ghi rõ “Hồ sơ tham dự Chương trình học bổng song phương Bỉ năm học 2010-2011 trước 17h00 giờ, thứ Hai ngày 28 tháng 12 năm 2009 đến: 

Bộ phận Hợp tác phát triển

Đại sứ quán Bỉ

Tầng 9 tháp Hà Nội - 49 Hai Bà Trưng, Hà Nội

 

Hồ sơ gửi theo đường bưu điện sẽ căn cứ theo dấu bưu điện. Những hồ sơ gửi qua email/fax hoặc đến sau thời hạn sẽ tự động bị loại.

 
Quy trình tuyển chọn

Đại sứ quán Bỉ sẽ sơ tuyển và lên danh sách các thí sinh được chọn vào vòng phỏng vấn. Chỉ những thí sinh được chọn vào vòng tiếp theo mới được thông báo để tham dự phỏng vấn sẽ được thực hiện tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các thí sinh nên chuẩn bị trước để có thể tham dự phỏng vấn nếu được lựa chọn.

 

Sau vòng phỏng vấn, chương trình sẽ gửi hồ sơ được lựa chọn sang các trường đại học ở Bỉ để đánh giá và ra quyết định cấp thư mời nhập học cho thí sinh. Chỉ sau khi nhận được thông tin này, quyết định cuối cùng về cấp học bổng sẽ được đưa ra và thông báo tới thí sinh.

 

Lưu ý quan trọng:

Ngoài các tiêu chuẩn để đánh giá năng lực và động cơ xin học bổng của thí sinh, Ban tuyển chọn sẽ cân nhắc những yếu tố về cân đối giữa các vùng miền, ngành học và khối cơ quan khi đưa ra quyết định cuối cùng về cấp học bổng.

 

Thời gian dự kiến xét duyệt hồ sơ

28 tháng 12 năm 2009                         Hết hạn nộp hồ sơ

18 - 23 tháng 1 năm 2010                        Thông báo cho các thí sinh được chọn vào vòng phỏng vấn

25/1 – 10/2/2010                                    Phỏng vấn (Lịch phỏng vấn có thể sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán)

Tuần thứ 2 của tháng 3 năm 2010          Thông báo kết quả nộp hồ sơ và phỏng vấn bằng thư tới tất cả các thí sinh (Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội)

Tháng 8 và tháng 9 năm 2010                 Thông báo kết quả học bổng (Cơ quan Hợp tác kỹ thuật Bỉ)

 
Các thông tin thêm

Mọi câu hỏi liên quan đến Chương trình học bổng song phương Bỉ, đề nghị liên hệ với các cán bộ của Đại sứ quán Bỉ như sau: 

 

Ngô Thu Hương

Phó Tuỳ viên (Hợp tác phát triển)

Phụ trách Chương trình học bổng song phương Bỉ

 
hoặc
 
Hồ Phương Loan

Trợ lý về học bổng

 
 
Các trang web hữu ích
 
Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam

www.diplomatie.be/hanoivn >> Services >> Hợp tác Phát triển >> Học bổng song phương 

 
Cơ quan hợp tác kỹ thuật Bỉ
www2.btcctb.org/vietnam
 

Ban Thư ký “Học tập tại vùng Flander của Bỉ”

 

Ban hợp tác phát triển đại học, Hội đồng liên trường đại học Cộng đồng nói tiếng Flemish (VLIR-UOS)

 

Ban hợp tác phát triển đại học, Hội đồng liên trường đại học Cộng đồng nói tiếng Pháp (CUD)

 
 
Các thông tin cần thiết cho sinh viên

www.students.be

 

Quỹ quốc gia dành cho nghiên cứu khoa học

www.fnrs.be

Thông tin tổng quát về giáo dục sau đại học tại vùng Flander

 

Thông tin tổng quát về giáo dục sau đại học tại Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ

 
 
 (Nguồn:  Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam)
 

Số lần xem trang: 2168
Điều chỉnh lần cuối:

CƠ HỘI HỌC BỔNG DÀNH CHO GIẢNG VIÊN

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : sáu một sáu một

Xem trả lời của bạn !