TRUNG TÂM TRAO ĐỔI GIÁO DỤC VỚI VIỆT NAM & BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÔNG BÁO TUYỂN SINH NĂM CUỐI CÙNG 2010

 

Chương trình IFP hiện đã được triển khai tại 22 nước trên thế giới nơi Quỹ Ford có hoạt đông tài trợ. Tại Việt Nam, Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam (Center for Educational Exchange with Vietnam-CEEVN) quản lý chương trình này. IFP tạo cơ hội học tập và nghiên cứu sau đại học cho các cá nhân xuất sắc, những người có khả năng sử dụng kiến thức tiếp thu được để đóng góp tích cực chuyên môn của mình cho sự phát triển của đất nước và sự công bằng về kinh tế, xã hội trên thế giới. Chương trình IFP tích cực chiêu sinh từ các nhóm và cộng đồng xã hội thiếu cơ hội tiếp cận với các nguồn học bổng đào tạo sau đại học. Hiện nay đã có 224 công dân Việt Nam từ 53 tỉnh và thành phố (trong đó có 52 người thuộc 18 nhóm dân tộc thiểu số) đã nhận học bổng IFP học tập, nghiên cứu tại 10 nước trên thế giới; 98 người tốt nghiệp và đã trở về nước công tác.

Tài trợ của chương trình IFP

* Chương trình IFP cấp 35 suất học bổng cho năm 2010 là năm cuối cùng của chương trình học bổng 10 năm (2001 – 2010). Học bổng IFP sẽ hỗ trợ toàn phần cho các chương trình Thạc sĩ tại các trường đại học chính quy ở nước ngoài
* Người dự tuyển có thể tham gia dự tuyển dành học bổng theo học chương trình Thạc sĩ thuộc 1 trong các ngành hoặc lĩnh vực nghiên cứu được liệt kê.
* Người trúng tuyển sẽ được theo học tại bất kỳ một trường đại học nào trên thế giới, với điều kiện họ được nhận vào học một chương trình chính quy mà IFP chấp nhận.
* IFP sẽ giúp đỡ sắp xếp chương trình học cho tất cả những người trúng tuyển.
* IFP tạo điều kiện cho những người trúng tuyển được bổ sung thêm ngoại ngữ, qua một chương trình học tập trung từ 3 đến 5 tháng, nhằm nâng cao vốn ngoại ngữ sẵn có để đủ điều kiện theo học một chương trình Thạc sĩ ở nước ngoài.

Điều kiện dự tuyển chương trình IFP tại Việt Nam

Đối tượng dự tuyển phải là công dân Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ưu tiên:

1. Nam và nữ công dân thuộc mọi nhóm dân tộc thiểu số.
2. Nam và nữ công dân sinh sống và làm việc tại các vùng nông thôn, các thị trấn, thị xã, và thành phố trực thuộc các tỉnh;
3. Nữ công dân sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn.


Người dự tuyển phải đáp ứng các điều kiện sau:

* Đã có bằng tốt nghiệp đại học chính quy với kết quả học tập đạt loại Trung bình Khá trở lên;
* Sau khi tốt nghiệp đại học người dự tuyển phải có ít nhất ba năm kinh nghiệm công tác có liên quan đến ngành muốn theo học và có kinh nghiệm trong các hoạt động phục vụ cộng đồng hoặc liên quan đến phát triển;
* Phải chọn ngành học Thạc sĩ thuộc một lĩnh vực học thuật tương ứng với các ngành được IFP chấp nhận.
* Có kế hoạch áp dụng kiến thức sẽ tiếp thu được nhằm góp phần giải quyết các vấn đề xã hội đang được quan tâm tại đất nước mình;
* Không có người trong gia đình đã được nhận học bổng của IFP hoặc Ford Foundation.

Học bổng IFP đặc biệt ưu tiên cho các cá nhân thuộc các nhóm hoặc cộng đồng thiếu cơ hội tiếp cận với các chương trình học bổng đào tạo sau đại học. Những công dân thuộc mọi nhóm dân tộc đang sinh sống và làm việc tại các vùng khó khăn đều được khuyến khích tham gia dự tuyển chương trình học bổng IFP.

Các ngành học được IFP tài trợ

Người dự tuyển phải chọn ngành học Thạc sĩ và nội dung nghiên cứu liên quan đến một trong các lĩnh vực sau: (Không có học bổng cho Tiến sĩ)

* Môi trường & Phát triển
* Khoa học Xã hội & Nhân văn
* Y tế
* Nghệ thuật & Văn hóa
* Giáo dục
* Quản lý Nhà nước & các Tổ chức Nhân dân
* Thông tin Đại chúng
* Phát triển Cộng đồng
* Kinh tế

Quy trình xét tuyển

* Hồ sơ đăng ký dự tuyển của người dự tuyển phải gửi tới Trung Tâm Trao Đổi Giáo Dục với Việt Nam (CEEVN) trước ngày hết hạn.
* Một Hội đồng Tuyển chọn Độc lập sẽ xét duyệt những hồ sơ hoàn chỉnh, tiến hành phỏng vấn những ứng cử viên đạt tiêu chuẩn và quyết định danh sách đề xuất nhận học bổng IFP.

IFP xét tuyển dựa trên cơ sở đối tượng ưu tiên của IFP, cũng như kinh nghiệm công tác trước đấy của người dự tuyển, tiềm năng phát triển về chuyên môn, có tâm huyết phục vụ cộng đồng, đất nước và khả năng học tập, để theo đuổi một chương trình học sau đại học ở nước ngoài.

 

Từ ngày1/9/2009 đến 15/4/2010, văn phòng CEEVN nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển học bổng IFP cho đợt tuyển sinh cuối cùng vào tháng 5/2010.


Cần thông tin chi tiết và nhận Hồ sơ đăng ký dự tuyển Chương Trình Học Bổng Quốc Tế IFP, xin liên hệ:

 

Trung Tâm Trao Đổi Giáo Dục với Việt Nam

Center for Educational Exchange with Vietnam (CEEVN)

Số 5, Ngõ 52 Giang Văn Minh

Quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3723-6825 Fax: (84-4) 3723-6827

Email: mailto:ifp@ceevn.org

Website: http://ceevn.acls.org/ceevn/ifpinfo.htm

-------------------------

Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách hoàn thành từng phần của bộ hồ sơ

 

Hồ sơ đăng ký dự tuyển

Hồ sơ đăng ký dự tuyển chương trình IFP là một bộ hồ sơ song ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Các câu tiếng Anh tương đương với các câu tiếng Việt đứng ngay sau nó. Người dự tuyển có thể chỉ dùng tiếng Anh hoặc tiếng Việt để điền vào hồ sơ. Hồ sơ đăng ký dự tuyển cần được đánh máy rõ ràng và nộp đúng thời hạn cùng với toàn bộ các văn bản kèm theo. Người dự tuyển cần chú ý ký tên đầy đủ vào hồ sơ. Hồ sơ viết tay hoặc không đầy đủ sẽ bị loại ngay từ đầu.

Một bộ hồ sơ đăng ký dự tuyển hoàn chỉnh là cơ sở để chọn lựa những người dự tuyển đã được chuẩn bị tốt về học vấn, khả năng trí tuệ, kinh nghiệm, quyết tâm và có động cơ mạnh mẽ để hoàn thành một chương trình đào tạo chính quy sau đại học, cấp bằng, và đã được kiểm định chất lượng tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Lưu ý người dự tuyển: Người dự tuyển cần viết các bài luận ngắn để trả lời cho các câu hỏi trong hồ sơ đăng ký dự tuyển. Những bài luận này là cơ sở quan trọng để Hội đồng Xét tuyển hiểu biết về người dự tuyển. Người dự tuyển nên trình bày cô đọng và rõ ràng mối quan tâm và mục đích học tập, các kinh nghiệm nghề nghiệp và mục tiêu trong tương lai của mình. Người dự tuyển có thể bổ sung bất kỳ một thông tin thích hợp nào giúp cho hồ sơ của mình có tính thuyết phục hơn. Xin lưu ý là Hội đồng Xét tuyển rất am tường về Việt Nam và khu vực. Các bài luận không nên trình bày những vấn đề kinh tế và xã hội rộng lớn mà nên tập trung vào bản thân người dự tuyển và các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới sự đóng góp của người dự tuyển cho cộng đồng.

 

Các bảng điểm và bằng tốt nghiệp

Người dự tuyển cần gửi các bản sao có công chứng của tất cả các bảng điểm và bằng tốt nghiệp các cơ sở đào tạo trên bậc phổ thông trung học của mình. Người dự tuyển cũng nên nộp bản sao các chứng chỉ của các khoá đào tạo ngắn hạn và các giải thưởng thí sinh đã đạt được nếu có.

 

Các thư giới thiệu

Người dự tuyển nên chọn 3 người biết rõ về mình và ở các vị trí hoặc chức vụ có thể quan sát và đánh giá được các kỹ năng nghề nghiệp cũng như năng lực học tập và nghiên cứu của mình. Ít nhất có một người giới thiệu làm việc trong một cơ sở đào tạo hoặc nghiên cứu chính quy. Người giới thiệu cần viết một bức thư chi tiết đánh giá chính xác các phẩm chất của người dự tuyển. Nếu một bức thư không trình bày các phẩm chất của người dự tuyển mà chỉ giới thiệu người dự tuyển là một người tốt và xứng đáng được nhận học bổng thì bức thư đó hầu như không có ý nghĩa.

Người dự tuyển cần gửi một mẫu Thư Giới Thiệu và phong bì đã viết sẵn địa chỉ gửi về CEEVN trong tập hồ sơ này cho mỗi người giới thiệu. Người giới thiệu có thể viết thư bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Thư phải được đặt vào phong bì đã cho sẵn rồi dán kín lại. Người giới thiệu phải ký tên vào mép dán của phong bì đó để đảm bảo tính tin cậy của thư. Phong bì đã niêm phong này cần được gửi lại cho người dự tuyển để người dự tuyển gửi nó cùng với toàn bộ hồ sơ của mình. Nếu vì một lý do nào đó, thư này không thể gửi trực tiếp lại cho người dự tuyển, thì người giới thiệu phải gửi thư đến thẳng Chương trình IFP tại địa chỉ của CEEVN đã cho trên phong bì.

 

Người dự tuyển cần hết sức cố gắng để gửi tất cả 3 bức thư giới thiệu này cùng với hồ sơ dự tuyển và các giấy tờ kèm theo cho đúng thời hạn. Nếu không làm được như vậy, người dự tuyển cần viết một bức thư gửi kèm hồ sơ cho biết có bao nhiêu thư giới thiệu đã được nộp và khi nào thì các bức thư còn lại sẽ được gửi tới.

 

 

Chương trình IFP không hoàn trả lại hồ sơ đã nộp.

Nguồn:

Trung Tâm Trao Đổi Giáo Dục với Việt Nam

Center for Educational Exchange with Vietnam (CEEVN)


Download: Application            Reference

Số lần xem trang: 2157
Điều chỉnh lần cuối:

CƠ HỘI HỌC BỔNG DÀNH CHO GIẢNG VIÊN

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bảy một bảy không một

Xem trả lời của bạn !